dsds 00ds dd đ ss GF DAI HOC QUOC GIA HAN QUOC dh dl

Trang chủ | Du học Hàn Quốc

  • 15 “bí kíp” dành cho các bạn sinh viên mới nhập trường tại Hàn Quốc

  • Khác với hệ thống giáo dục ở Châu Âu, năm học ở Hàn Quốc bắt đầu từ tháng ba, kì nghỉ diễn ra vào tháng 7, tháng 8. Học kì 2 bắt đầu vào tháng 9 và kéo dài cho đến hết tháng 12, tiếp đó là kì nghỉ thứ 2 hay còn gọi là kì nghỉ đông kéo dài cho đến hết tháng 2. Hệ đại học chính quy ở Hàn Quốc thường kéo dài trong 4 năm, các trường dạy nghề là 2 đến 3 năm. Về thời gian biểu và chế độ thi cử, mỗi trường có một chế độ khác nhau. Nhưng đại bộ phận, các tiết học chính quy ở trường đại học tiến hành từ thứ hai đến thứ sáu, mỗi tiết học kéo dài 50 phút, nghỉ giải lao giữa các tiết 10 phút, tiết đầu tiên bắt đầu lúc 9 giờ sáng và tiết cuối cùng kết thúc lúc 6 giờ chiều. Hệ cao học có thể có các tiết học buổi tối hoặc cuối tuần tuỳ theo yêu cầu của mỗi môn học.
    Để có thể thích nghi và đạt kết quả cao trong các kỳ học, các bạn hãy tham khảo một số điểm như sau:

    1/ Đi học chuyên cần.
     
    Cũng giống như trường đại học ở Việt Nam, các trường đại học ở Hàn Quốc cũng rất nghiêm ngặt trong việc đánh giá điểm chuyên cần, mà cụ thể là hoạt động điểm danh. Hiện nay cũng có một số trường đại học áp dụng các lớp học thông minh quản lý sĩ số sinh viên bằng máy quẹt thẻ sinh viên trước cửa lớp học hay ghế điện tử nhận diện sinh viên. Mỗi kỳ học thường sẽ có hai kỳ thi, thi giữa kỳ và thi cuối kỳ. Kết quả đánh giá cuối cùng sẽ là tổng điểm của hai kỳ thi này cộng với điểm chuyên cần, điểm đánh giá các bài tập cá nhân và bài tập nhóm mà sinh viên thực hiện trong suốt kỳ học.

    2/ Điểm số không phải là tất cả nhưng là một trong những mục tiêu cần nỗ lực.
     
    Các trường đại học ở Hàn Quốc không áp dụng thang điểm 10 như ở Việt Nam mà áp dụng thang điểm 100 với các mức đánh giá như mức điểm cao nhất là A+ tương đương với 95-100 điểm, mức điểm thấp nhất là F tương đương với số điểm từ 59 điểm trở xuống. Các bạn có thể tính số điểm trung bình trong cả học kỳ bằng cách cộng tổng các điểm số và chia cho số học trình (신청학점). Hãy đọc trước giáo trình và ôn tập ngay sau mỗi bài học, đó là bí quyết cơ bản để nắm chắc kiến thức.

    3/ Cập nhật thông tin trên trang web của trường.

    Trên trang web của trường đại học Hàn Quốc, ngoài các thông tin giới thiệu cơ bản chung, các hoạt động của trường, gương sinh viên, giáo viên tiêu biểu, các bài báo về trường…luôn được cập nhật thường xuyên. Vào các kỳ thi, nhiều trường còn có các hoạt động phát đồ ăn nhẹ miễn phí cho sinh viên. Hoặc các hoạt động lễ hội, giảm giá tại chợ đồ cũ, chợ sách…do Hội sinh viên tổ chức cũng đều được thông báo trên trang web của nhà trường.

     4/ Tham gia Orientation

    Hướng dẫn nhập học (Orientation) cung cấp thông tin toàn diện về ngôi trường bạn đang học, các ban, ngành chủ chốt giải quyết các vấn đề của sinh viên. Đây cũng chính là cơ hội để bạn gặp gỡ những người quản lý nhà trường cũng như bạn bè cùng khóa với mình.

     5/ Tìm hiểu thông tin về Phòng quan hệ quốc tế (국제교류처)

    Là một sinh viên quốc tế, bạn cũng nên tìm hiểu thông tin về Phòng quan hệ quốc tế, nơi sẽ quản lý và tổ chức các hoạt động dành cho sinh viên quốc tế. Bạn có thể đến trực tiếp hoặc đăng ký địa chỉ email của mình qua trang web để có thể cập nhật các thông tin mới từ Phòng quan hệ quốc tế của trường.

    6/ Học cách sử dụng thư viện

    Các thư viện Hàn Quốc luôn cập nhật các đầu sách mới, các sách ngoại ngữ và nghiên cứu từ Mỹ. Đây là một điểm thuận lợi cho các bạn sinh viên để mở rộng kiến thức chuyên môn.

     7/ Tham gia một câu lạc bộ phù hợp với bản thân

    Cuộc sống sinh viên sẽ mất đi rất nhiều thú vị khi thiếu đi những người bạn. Bạn hãy chủ động tìm cơ hội kết bạn thông qua các hoạt động ngoại khoá của trường hoặc bạn cũng có thể tham gia một câu lạc bộ (동아리) để vừa thoả mãn sở thích cá nhân, vừa làm quen với những người bạn mới.

    8/ Đăng ký các chương trình tương tác với sinh viên Hàn Quốc

    Có rất nhiều trường đại học tại Hàn Quốc quan tâm tới sinh viên quốc tế bằng việc tổ chức các chương trìnn đăng ký Mentor – Mentee ( Người đi trước giúp đỡ thế hệ đi sau) hay Doumi (도우미, Người giúp đỡ). Khi tham gia các chương trình này, các bạn sẽ được nhà trường giới thiệu kết bạn với một người bạn Hàn Quốc nhiệt tình và nhiều kinh nghiệm. Chắc chắn, bạn khi tham gia những chương trình như thế này, trình độ tiếng Hàn cũng như những hiểu biết về Hàn Quốc của bạn sẽ được cải thiện đáng kể.

    9/ Thời khóa biểu, thời gian biểu là bạn đồng hành

    Ngoài việc phải chuyên cần, bạn cũng nên đề ra thời gian biểu học tập, giải trí cá nhân. Một bộ phim cần xem, một cuốn sách cần đọc vào cuối tuần. Người Hàn Quốc cũng rất ghét việc trễ hẹn, nên hãy đến sớm ít nhất 5 phút trước mỗi cuộc hẹn để tạo thiện cảm ban đầu.

    10/ Đi MT, nhưng nhớ nên nói không với…rượu

    Một trong những dịp mà các bạn sinh viên ở Hàn Quốc rất đón chờ là MT. MT là viết tắt của Membership Training, đây chính là dịp sinh viên toàn khoa tham gia hoạt động ngoại khoá. Thực ra đó là cơ hội để các bạn sinh viên được đi du lịch ra xa khỏi ngoại thành, tổ chức các trò chơi, thi đấu thể thao…để có cơ hội tìm hiểu và thân thiết với nhau hơn. Đây là dịp để các bạn hòa mình vào không khí tập thể và tìm hiểu về tâm tư, tình cảm của giới trẻ Hàn Quốc. Tuy nhiên, MT cũng để lại một số tiêu cực khi các bạn sinh viên sa đà vào việc uống rượu và tổ chức trò chơi thâu đêm suốt sáng. Hãy tham gia nhưng nhớ chọn điểm dừng thích hợp để không bị…gục ngã vào sáng và những ngày tiếp sau.
    11/ Không ai có thể phát triển khi sống một mình

    Thường xuyên cập nhật các thông tin về hội sinh viên Việt Nam, hội cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc và tham gia các hoạt động trong phạm vi phù hợp. Trước khi là một sinh viên, bạn là một người Việt Nam, vậy hãy cùng học hỏi và giúp đỡ cộng đồng xung quanh để hoàn thiện cuộc sống của một sinh viên đích thực.

     12/  Quyết tâm thực hiện “3 Đừng”

    Đừng sa đà vào shopping, đừng buông thả thời gian khi ở một mình, đừng quên chăm sóc và tập luyện thể thao.

    13/ Và “3 Nên”

    Cười khi bắt đầu một ngày mới, chủ động bắt chuyện và làm quen với người lạ
    Học cách giao tiếp, chia sẻ và mở lòng với bạn bè xung quanh
    Gọi điện và chia sẻ với gia đình về cuộc sống du học

    14/ Nhóm học tập

    Ngoài ra, nếu thấy chương trình học trên lớp quá khó và không thể tự mình theo kịp với tiến độ chung, bạn cũng có thể đề nghị với Văn phòng khoa hay giáo sư giới thiệu cho mình một Nhóm học tập (Study Group) để bổ sung và hoàn thiện các kiến thức hổng.

    15/Hãy mở lòng

    Điều quan trọng nhất là khi gặp khó khăn, vướng mắc, thay vì việc im lặng, tìm cách tháo gỡ một mình, các bạn hãy mở lòng và yêu cầu sự giúp đỡ từ xung quanh. Trường học được ví như một xã hội nhỏ, là nơi huấn luyện để chúng ta bước ra bể lớn là trường đời. Việc phải sinh hoạt, học tập trong một môi trường mới, văn hoá mới với một ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của mình chắc chắn sẽ khiến bạn gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Nhưng các bạn hãy tin rằng “có công mài sắt, có ngày nên kim”, nếu luôn nỗ lực cho những giấc mơ mình theo đuổi, thì chắc chắn những năm tháng học tập tại trường đại học sẽ là những khoảng thời gian có ý nghĩa nhất trong cuộc đời của các bạn.
     

  • Bài viết cùng chuyên mục